✳ 1. Nguồn gốc của các asana hay còn gọi là các tư thế trong Yoga
Xưa kia các bậc tu hành thường đến những nơi ẩn cư hoang vắng như trong hang động hay ở trong rừng sâu núi thẳm để tu luyện.
Cách tu luyện thường là ngồi thiền để suy tưởng, suy ngẫm hay cầu nguyện về những điều tốt đẹp …
Khi tu luyện như thế các đạo sĩ thường gặp khó khăn. Ví dụ như hang động thì ẩm ướt mà ngồi lâu thì dễ sinh ra bệnh tật.
Nên họ phải tìm cách vận động sao cho phù hợp nhất, để cho cơ thể được cân bằng và có sức chịu đựng với cuộc sống khắc khổ, tu hành.
Họ không thể vận động theo kiểu thể dục thể thao được, tức là chạy bộ hoặc là lên xà hoặc là hít đất …
Vì sao lại như vậy ? Đơn giản là với cách tập luyện đó làm tâm của họ bị náo loạn. Bên cạnh đó với cách tập luyện mạnh như vậy nhu cầu thức ăn, nhu cầu ham muốn sẽ tăng cao, nên không tốt cho việc tu hành.
Yêu cầu đặt ra lúc này chính là phải vận động nhẹ nhàng. Nhưng tác động vào hết các phần cơ khớp trong cơ thể. Mà không được phép tiêu hao quá nhiều năng lượng.
Và như vậy các phương pháp tập luyện tạo ra các tư thế asana trong yoga được hình thành.
Chẳng hạn như việc họ mỏi lưng, họ sẽ ngửa người ra sau và giữ nguyên ở đấy. Mỏi ở đâu thì tác động vào đó trong tĩnh lặng.
Họ nhận ra một điều rằng, càng giữ tư thế ở đó lâu thì họ vừa không bị mất năng lượng mà cơ khớp của họ vẫn được tác động.
Việc giữ tư thế trong một thời gian nhất định là một sự khác biệt cơ bản nhất giữa yoga và thể dục.
Trong quá trình tập luyện họ tạo ra các tư thế. Miễn làm sao tác động được nhiều đến các bộ phận trong cơ thể.
Nghĩa là mỗi tư thế sẽ tác động vào một bộ phận trong cơ thể, còn các bộ phận khác thì lại được nghỉ ngơi.
Nếu tính ra những tư thế căn bản trong yoga, cũng chỉ hơn chục tư thế mà thôi.
Nhưng trong quá trình tập luyện, người học cần nâng cao thì sự biến hoá sẽ là khôn lường và nhiều động tác đã được sản sinh ra.
Cũng như âm nhạc chỉ có bảy nốt nhạc mà biến ra muôn vàn bài hát.
Trong Yoga cũng vậy, sự biến hoá sẽ là vô cùng vô tận. Người giáo viên đưa ra các chuỗi bài tập đó là sự trải nghiệm của họ nên rất thiết thực.
✳ 2. Nguồn gốc sinh ra định tuyến trong Yoga
Khi các đạo sĩ tập các tư thế thấy hiệu quả thì đã truyền cho nhau.
Mỗi một tư thế sẽ được đặt tên theo con vật hay là một ý nghĩa tâm linh nào đó.
Khi nhiều người tập một tư thế thì người đời sau rút ra được hình ảnh đại diện chung của tư thế đó.
Hình ảnh đại diện đó người ta gọi là định tuyến trong Yoga. Định tuyến ngày nay đã bao hàm tư thế chuẩn và cả lý luận nữa.
Định tuyến trong Yoga giống như một hình mẫu mà những người mới tập sẽ phải hướng theo.
Nhưng sự hướng theo này không phải là giống hệt như hình mẫu vì cơ thể của mỗi người đều có những tố chất khác nhau.
Chính vì những hình mẫu trong định tuyến này đã gây ra một số hiểu lầm cho các giáo viên yoga.
Họ nghĩ rằng phải làm giống hệt hình mẫu thì mới đúng, thì mới an toàn. Còn vào tư thế mà không giống hình mẫu thì họ cho rằng đó là người tập Yoga không đúng.
Vậy theo bạn tập Yoga là phải giống hệt hình mẫu hay là tập theo một cách tự do, tuỳ hứng ?
Bây giờ chúng ta sẽ vào phân tích việc áp dụng định tuyến vào trong Yoga nhé.
✳ 3. Áp dụng định tuyến vào trong cách tập Yoga.
Mỗi cơ thể đều có cấu trúc xương và cơ khác nhau, bên cạnh đó là lối sống sinh hoạt cũng khác nhau.
Vậy nên việc áp dụng định tuyến một cách máy móc vào các bài tập là một sai lầm.
Định tuyến chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Bạn tham khảo để lường trước được việc tập sai của mình. Vì định tuyến giúp cho bạn hiểu được về cấu trúc xương, cấu trúc cơ trong cơ thể.
Định tuyến giúp cho bạn tăng khả năng sáng tạo và tìm tòi ra được những tư thế mới.
Chính việc tìm ra những tư thế mới, mới là một quá trình khám phá và hiểu rõ bản thân của bạn hơn.
Định tuyến thường đạt đến mức hoàn chỉnh tư thế nhất.
Nên bạn là người mới tập thì không thể nào đạt được đến trình độ cao nhất đó, mà bạn phải dùng định tuyến làm mục tiêu hoàn thiện dần cho cơ thể của mình.
Như vậy ý nghĩa lớn nhất của định tuyến chính là giúp cho bạn không bị chấn thương trong quá trình tập luyện yoga.
Nhưng nếu bạn quá bám chặt vào định tuyến, bạn sẽ không có cảm xúc trong Yoga. Và khi đó tình yêu với yoga sẽ không nảy sinh với bạn.
Vậy câu hỏi sẽ được đặt ra là : Bạn tập yoga như thế nào mà vừa đúng định tuyến, mà vừa có cả cảm xúc ?
Đó là một điều mà giáo viên yoga cần phải suy nghĩ tới, chứ không phải cứ áp dụng thước đo định tuyến làm một cách vuông vắn là được.
✳ 4. Tập Yoga là tạo ra định tuyến cho chính mình.
Mỗi một cơ thể đều có sự khác biệt về thể chất và tinh thần.
Nên bạn có cố gắng như thế nào, thì tư thế của bạn không bao giờ giống hệt được của người khác. Điều này bạn phải hiểu rõ và lựa theo cơ thể của mình.
Chúng ta thường bắt chước người khác một cách giống hệt đó chính là nguồn gốc của sai lầm.
Vậy nên nhiều giáo viên đã ép học viên của mình vào một khuôn thước, nên dẫn đến sự không thoải mái cho học viên của mình.
Đừng cứng nhắc khô khan, sự cứng nhắc khô khan chỉ làm cho mọi thứ tệ đi mà thôi.
Định tuyến chỉ là một hình ảnh tham khảo, nó không được phép thần thánh hoá. Hãy giúp học viên của mình tìm ra chính họ đó mới là ý nghĩa thực sự.
Bạn hãy cho học viên bắt chước theo một tư thế hình mẫu. Việc bắt chước này, không cần thiết phải hoàn hảo.
Học viên sẽ tự cảm nhận và tự điều chỉnh cơ thể của mình, sao cho cảm thấy phù hợp nhất.
Hãy cho học viên của mình Nhắm Mắt và hiểu về tư thế đó.
Học viên càng có thời gian hiểu được về tư thế đó, thì họ sẽ được ngập tràn trong yêu thương và phúc lạc.
Việc của bạn chỉ là hướng cho học viên, nên hiểu về giá trị bên trong của họ.
Chính họ, chứ không ai khác sẽ dẫn họ tới bến bờ của sự hạnh phúc. Đó là ý nghĩa thực sự của Yoga.
Sưu tầm